PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Y dược học cổ truyền - Bộ Y tế: "Không có loài cây nào có thể chữa được nhiều bệnh đến thế".
Trước thông tin cho rằng cây nở ngày đất có thể trị được một số bệnh trong đó có bệnh tiểu đường, bệnh gout… Vậy thực hư về tác dụng của loại cây này thế nào, có đúng là cây này có thể chữa được các bệnh trên? Để cung cấp thông tin đến bạn đọc, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với các chuyên gia về lĩnh vực y học cổ truyền, y học hiện đại… xung quanh tác dụng chữa bệnh của loài cây nở ngày đất..
Hình ảnh về cây nở ngày đất
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Y dược học cổ truyền - Bộ Y tế: Không có loài cây nào có thể chữa được nhiều bệnh đến thế.
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh.
Tại Việt Nam, đến nay chưa có nghiên cứu khoa học về công dụng của cây nở ngày đất trong việc điều trị bệnh gút và tiểu đường. Thông tin cây nở ngày đất chữa được bệnh gút, đái tháo đường đang được “rỉ tai” trong cộng đồng cũng giống như kiểu thông tin “được” đồn thổi quá lên về công dụng chữa bệnh như đã từng xảy ra với các loại cây: hoàn ngọc, lược vàng, xáo tam phân, lô hội… trước đây.
Theo ông Khánh, hiện nay chưa có tài liệu nghiên cứu chắc chắn nên chưa thể nói là điều trị khỏi hẳn bệnh gút và tiểu đường như thông tin đang đồn thổi. Bên cạnh đó, không có loại cây gì có tác dụng chữa nhiều bệnh đến vậy mà chỉ có tác dụng hỗ trợ trong điều trị bệnh. Hiện tại chưa có một cây thuốc nào gọi là “thần dược” và không có một loại thuốc phù hợp với tất cả mọi người, phải sử dụng đúng cách, đúng liều và đúng bệnh mới có hiệu quả.
Đã là thuốc khi có dược tính chữa bệnh sẽ ít nhiều có tác dụng không mong muốn nên đều phải cẩn thận khi sử dụng. Ngay cả với cây thuốc nam, bên cạnh mặt tốt cũng có mặt hạn chế, do đó, người dân, nhất là những người bệnh đang sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ không nên vì cả tin những lời đồn về tác dụng “chưa được kiểm chứng khoa học” của nhiều loài cây mà dùng bừa bãi sẽ gây nguy hại đến sức khỏe.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Khánh cho hay, đã yêu cầu chuyên viên của Cục Y dược học cổ truyền kiểm tra, tìm hiểu những thông tin liên quan đến loài cây này.
PGS.TS. Trần Ngọc Lương - PGĐ phụ trách BV Nội tiết TW: Đã có trường hợp bệnh nhân tiểu đường nhập viện cấp cứu vì dùng thuốc nam bừa bãi. Theo BS. Lương, bệnh đái tháo đường và gút thuộc loại rối loạn chuyển hóa chất đường và đạm nên nguyên tắc điều trị là tuân thủ chế độ ăn khoa học, tập luyện hợp lý và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc. Do đó, người bệnh không nên dựa vào tin đồn, lời mách bảo của những người không có chuyên môn mà tùy tiện sử dụng… vì tai biến có thể xảy ra nếu không có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.
Đã nhiều năm gắn bó với chuyên ngành khám và điều trị bệnh cho hàng trăm lượt bệnh nhân bị tiểu đường, BS. Lương cho biết đã có nhiều trường hợp người bệnh tiểu đường đang điều trị theo chỉ định của bác sĩ nhưng lại tự ý bỏ thuốc để uống các cây thuốc nam - bắc chỉ vì tin những cây đó chữa được bệnh tiểu đường nên đã phải nhập viện cấp cứu vì đường huyết lên quá nhanh.
Về thông tin cây nở ngày đất có thể chữa được bệnh tiểu đường, gút, theo BS. Lương, người bệnh, nhất là người bệnh đang điều trị tiểu đường, không nên tự ý tin dùng thay thế thuốc chữa tiểu đường, gout đã được thầy thuốc chỉ định sau khi thăm khám. BS. Lương cũng nhấn mạnh, không có cây thuốc nam nào có thể điều trị khỏi bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ trong điều trị bệnh.
BS. Trần Văn Năm - Phó Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM: Cây nở ngày đất chưa được sử dụng phổ biến trong giới thầy thuốc y học cổ truyền hiện nay.
BS. Trần Văn Năm.
Thực hư về tác dụng chữa bệnh của cây nở ngày đất
Cây nở ngày đất thuộc chi Gomphrena và có rất nhiều loài như: globosa, celosiosides, rubra… họ rau dền (amaranthaceae). Hiện trên nhiều tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh có bán loài cây với hoa trắng, thân màu tím, lá có nhiều lông mịn… có thể thuộc chi celosiosides. Theo một số sách dược liệu trong và ngoài nước thì cây có tác dụng trị ho, hen suyễn, sốt ở trẻ em, huyết trắng ở phụ nữ, chống vi khuẩn, thiếu máu, bị mệt mỏi, hạ sốt, kháng viêm, hạn chế phát triển của một số loại vi khuẩn, lợi tiểu, chống ôxy hóa…
Theo BS. Năm, đây là loại cây có dược tính, dùng làm thuốc được và có thể có lợi với một số bệnh. Tuy nhiên, loại cây này chưa được sử dụng phổ biến trong giới thầy thuốc y học cổ truyền hiện tại và chỉ sử dụng theo kinh nghiệm, chưa được nghiên cứu về độc tính, tác dụng dược lý lâm sàng cũng như chỉ định điều trị riêng đối với 2 loại bệnh đái tháo đường và gút.
Nguồn : http://news.zing.vn/Thuc-hu-ve-tac-dung-chua-benh-cua-cay-no-ngay-dat-post483742.html
Đăng nhận xét