Thế giới, chẳng ai đâu xa lạ, là em với cái mẫu tính có sẵn trong máu từ khi sinh ra làm thân con gái, và là anh vẫn mong chờ mỗi ngày những sự âu yếm của vợ mình.
Anh kể em nghe, chuyện anh vừa đọc trên báo gì có anh chàng năn nỉ xin ly hôn vì vợ "oánh". Mà cô ấy cũng tài, "oánh" anh này nhập viện luôn, lành vết thương rồi mà thần hồn còn hoang mang tơi tả.
Hồi sinh viên, ông thầy dạy anh tếu táo, bảo phụ nữ các em nhỏ bé "kém phân" vì sinh ra từ cái xương sườn của đàn ông, dưới bàn tay Chúa. Nhưng mà không em ạ. Từ ngày ấy anh đã nghĩ, người nào vẽ ra câu chuyện về Chúa biết đâu cũng chỉ là một gã đàn ông tự mãn về sự mày râu cơ bắp của mình mà xem nhẹ chị em; hoặc cũng lại biết đâu là chàng trai mến yêu cái nết dịu dàng của đàn bà nên tự nhận thân mình to tát lớn lao để đeo mang lấy nghiệp chở che, bảo vệ.
Ấy cái chuyện của thiên hạ, anh vốn chẳng định bàn. Hôm rồi anh nghe loáng thoáng thấy em với cô Sáu nhà bên nói cái gì như là "nữ quyền", "bình đẳng", thế nên anh mới đem chút hoang mang ra kiếm cơ hội thủ thỉ cùng vợ anh.
Em ơi. Tạo hóa, về số đông, hẳn là công bằng. Nên phụ nữ liễu đào thèm thuồng cái thô ráp vững chãi của đàn ông, mà đàn ông cộc cằn thì khát khao cái mềm mại, nhu mì từ phụ nữ. Đàn ông đàn bà cứ thế mà gặp nhau, yêu nhau, thành vợ thành chồng, bù, đắp.
Nói đúng ra, anh chẳng thích cụm từ "phái yếu". Cứ nhìn vợ anh là biết. Cao một mét sáu mươi nặng bốn mươi bảy cân. Khi anh đang công tác, còn nhậu nhẹt với bạn bè; một mình em sáng dậy lau dọn cửa nhà, đi chợ mua đồ, cho con ăn đưa con đi học, làm hết 8 tiếng cơ quan lại hấp hổi về nhà nấu cơm, tắm táp cho con, giặt giũ quần, dọn dẹp chén bát. Khi anh ốm mệt có khi lười biếng cáu gắt um nhà, chứ em đau yếu cũng chẳng đổ công việc vào tay ai, tất cả vẫn trơn tru ngăn nắp. Bao năm qua, anh đã sinh ra trong vòng tay ấm áp chu toàn của mẹ, đã lớn lên bình yên từ thứ thương yêu dịu dàng rất phụ nữ ấy, và sống bên em tần tảo sớm hôm, nên em ơi, anh biết ơn cái sự trơn tru nhẫn nhin ấy thế.
Mấy thằng bọn anh hay khề khà nói với nhau, rằng "đàn bà như hùm như cọp", ghen tuông quá cả Hoạn Thư. Nhưng ấy là chúng nó không hiểu hoặc vui trò đấy thôi. Chứ anh thì anh biết. Hổ cái chỉ dữ dằn nếu con đực muốn giao phối mà chẳng hề làm nó nể phục, hoặc nó cảm giác điều gì đe dọa đến những đứa con. Trường hợp của Hoạn Thư, kì thực ông Nguyễn Du đã vẽ ra một người vợ ghen tuông nhân tính chán, trước khi rước lấy tiếng ác vào thân, Thư cũng năm lần bảy lượt để chồng có cơ hội lên tiếng thú nhận về cô vợ lẽ ở Lâm Truy mà Sinh đâu có biết ý hiểu tình. Thôi thì, âu cũng là...truyện. Vậy nhưng đại ý, từ hoang dã vào đến thơ văn, tạo hóa cho đến nhà thơ vẫn để lại ở bản chất của "giống cái" sự dịu dàng, mềm mỏng.
Vợ! Anh biết bây giờ phụ nữ các em đâu chỉ tay hành tỏi tay áo quần. Mà phụ nữ tự do làm đẹp bản thân, tự tin vào kiến thức chuyên môn, năng lực xã hội. Thậm chí đã bước ra mọi chiến trường, đã có mặt trên mọi sân đấu rồi: bóng đá nữ, cử tạ nữ, quyền anh nữ,... cũng là bởi thế giới nhìn thấu suốt mong muốn thiết tha về xã hội bình đẳng của đàn bà. Nhưng thế giới vẫn cứ còn những cuộc thi hoa hậu mà chúng mình thường "cắm mặt" vào xem như tối qua: các cô gái với hình thể đầy đường cong quyến rũ, vận chiếc áo lụa bay, nói những lời thỏ thẻ. Bởi vì thế giới vẫn hằng tôn thờ ở đàn bà khí chất nữ tính, vậy thôi. Thế giới, chẳng ai đâu xa lạ, là em với cái mẫu tính có sẵn trong máu từ khi sinh ra làm thân con gái, và là anh vẫn mong chờ mỗi ngày những sự âu yếm của vợ mình.
Ngẫm lại chuyện anh chàng kia - kém may mắn quá - gặp đúng cô vợ chẳng những không yếu mà còn quá mạnh. Anh tự đặt ra bao nhiêu câu hỏi. Cuộc sống gia đình nào không có sai sót bất hòa, hẳn là trong những chuyện xích mích của đôi vợ chồng ấy cũng tại anh tại ả tại cả đôi bên, chứ ngần ấy năm tìm hiểu, chung sống cớ gì anh này không biết "level" của chị nhà? Ví thử anh này có điều gì sai thật, ví thử anh này vô ý tứ trong hành xử để đến mức làm vợ "nổi máu" lên, nếu mà cô vợ "uống miếng nước ăn miếng bánh" cho hạ hỏa rồi lời lẽ với chồng, nếu mà khi đầu gối má kề cô ấy thủ thỉ trách móc bằng một vòng ôm quanh bụng anh ta, ví thử, nếu mà...? Tóm lại, anh không định bênh vực riêng ai. Duy có điều này anh thấy thực không ổn, trong cơn giận, cô ấy đem cả đứa con ấn xuống gầm xe tải để đe chồng, đến thế này thì độc ác quá, khó mà hiểu cho quá. Anh tiếc nuối, bởi, quanh quán bia ồn ã, mấy gã vẫn vỗ ngực "tôi đây típ phờ nờ" lại có thêm một câu chuyện đàm tiếu đầy phiến diện và "vơ đũa cả nắm" về cái nết đàn bà; còn về nhà, những ông chồng khối người bất ngờ chột dạ hoang mang.
Riêng anh, anh thấy thương, thấy trân quý mảnh "xương sườn" của cuộc đời mình, vì em - người vợ không yếu, nhưng rất "mềm".
Theo Depplus.vn/Maskonline.vn
Đăng nhận xét